Như đã hẹn với các bạn Yên Bái, đầu xuân Quý Mão lớp hệ thống điện K34, tổ chức chuyến du xuân lên Mù Căng Chải. Chiều thứ 6 xe đón các bạn ở cổng chính sân vận động Mỹ Đình. Bỏ lại sự ồn ào, bụi bặm, náo nhiệt của Hà Nội, chiếc xe 29 chỗ vượt sông Hồng qua cầu Thăng Long nhằm hướng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Con đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc được đưa vào vận hành từ năm 2014 đã rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đi Yên Bái, Lào Cai rất nhiều. Sau hơn 2 giờ đi xe đến Yên Bái, anh Hà thành viên lớp hệ thống điện K34, đón đoàn tại Quán Đá, cửa ngõ thành phố Yên Bái. Gặp nhau ai cũng vui vì sau lần họp lớp ở Bắc Giang, hôm nay mới gặp lại nhau. Bữa cơm tối với hương vị món ăn đặc trưng của người Tây Bắc, bên chén rượu ấm nồng xua đi sự mệt mỏi sau một chặng đường dài, những ly rượu chúc thay lời muốn nói mà dường như kéo dài mãi không thôi, ai cũng muốn bày tỏ cảm xúc khi được trở lại Yên Bái.
Sáng thứ 7 sau bữa ăn sáng, tạm biệt thành phố Yên Bái đoàn xuất phát đi Mù Căng Chải. Con đường quốc lộ 37 nối thành phố Yên Bái với thị xã Nghĩa Lộ như dải lụa mềm, uốn lượn bên những sườn núi với những nương chè, nương ngô của đồng bào Thái, Mường. Qua thị tứ Tú Lệ, huyện Mù Cang Chải hiện ra trước mắt với biểu tượng chiếc khèn Mông gắn trên tấm bảng ngay dưới chân đèo.
Cùng với Pha Đin, Ô Quý Hồ và Mã Pí Lèng, đèo Khau Phạ là một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ nơi rẻo cao Tây Bắc, cung đường này nổi tiếng với những đoạn quanh co cùng những khúc cua tay áo vẽ ra liên tục ôm dọc quanh vách núi dựng đứng uy nghiêm. Chính vì lý do đó nên lâu nay, đèo Khau Phạ luôn là điểm đến ước mơ của bao người du lịch muốn khám phá, là đích chinh phục của các phượt thủ.
Đến lưng chừng đèo, xe đi trong mù sương, sương nhiều tạo thành mưa nhỏ, tầm nhìn chỉ khoảng 2m, cách nhau 2, 3m đã không nhìn thấy gì, xe phải bật đèn vàng mới nhìn thấy đường và để báo cho xe đi ngược chiều, hơi ẩm và lạnh tràn cả vào trong xe, đến đây mới cảm thấy cái lạnh của vùng cao, cảm giác như mùa đông vẫn còn ở đây, ai cũng vội lấy thêm áo mặc.
Vào thăm trang trại nuôi cá tầm, cá hồi trên lưng chừng đèo mới thấy thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này nguồn nước ngọt vô tận trong xanh từ trên đỉnh đèo đổ vào các bể nuôi cá. Bữa trưa với món gỏi cá hồi thái lát mỏng màu hồng mùi thơm dịu nhẹ của hương cá, giữa đỉnh đèo Khau Phạ trong cái rét hanh hao của mùa đông còn lại nơi độ cao 1300m so với mực nước biển, chén rượu thơm, lát cá Hồi thơm ngậy làm cho bữa trưa bên nồi lẩu thật ấm cúng và khó quên.
Đến điểm dừng ngắm dù lượn, mọi người xuống xe để chụp ảnh, nhưng sương dày đặc, không thể chụp bằng những chiếc Smartphone thông thường, thật tiếc. Thôi đành lòng vậy, hẹn dịp khác, một vài người luyến tiếc cố gắng thu vào điện thoại những hình ảnh đẫm sương.

Kỷ niệm Đèo Khau Phạ và những người bạn
Vượt sang bên kia đèo bầu trời bừng sáng, không còn sương mù nữa, không gian rộng mênh mang, xuôi đèo bắt gặp những cánh rừng thông đang vào độ trổ lá của lâm trường Púng Luông trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là rừng phòng hộ cho thượng nguồn sông Đà, hai bên đường những bông hoa tớ dày (hay còn gọi là đào rừng) cuối cùng bung lụa nở như muốn níu giữ mùa xuân ở lại.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Yên Bái 180km, cách Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trung bình khoảng 800m so với mặt biển. Lên Mù Cang Chải mùa xuân, bạn chắc sẽ thấy lòng mình bình yên lắm vì chìm đắm trong sắc hoa đào dịu dàng, những cánh hoa bay trong gió như chiếc lông mềm mại chạy qua trái tim mỗi người.

Đồi mâm xôi La Pán Tẩn
Lên Mù Cang Chải mùa này không còn những thửa ruộng lúa vàng, nhưng thay vào đó người Mông trồng những ruộng hoa cải, hoa tam giác mạch để níu chân du khách. Xe dừng lại xóm Ba Nhà lên thăm đồi mâm xôi. Đồi mâm xôi La Pán Tẩn nằm trong bản Hán Xung, xã La Pán Tẩn. Ngọn đồi này nổi tiếng là một trong những địa điểm ngắm cánh đồng lúa chín đẹp nhất nước ta, là một trong những điểm đến nổi tiếng trong mùa vàng Mù Cang Chải, đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn được mệnh danh là ngọn đồi đẹp nhất trung du Tây Bắc, có những thửa ruộng chín vàng làm nao lòng du khách, trở thành biểu tượng của Mù Cang Chải.
Đồi Mâm xôi La Pán Tẩn nằm cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 8 km, ngọn đồi có độ cao từ khoảng 1000 – 1600m, dáng hình tròn đều và nhô cao trông giống như một mâm xôi đầy, có lẽ vì lý do đó mà nơi đây được gọi là đồi mâm xôi.

Mù Cang Chải điểm đến của khách du lịch
Đường lên đồi mâm xôi dốc chênh vênh, chỉ rộng chừng hơn 1m, mặc dù đã bê tông nhưng phải người có tay lái vững mới dám lên, đội ngũ xe ôm là những cô gái, chàng trai người Mông nói tiếng phổ thông còn chưa sõi đã chờ sẵn và mời chào du khách lên xe, giá một chặng cả đi về là 80 nghìn. Từ khi đồi mâm xôi trở thành điểm du lịch thì những người dân bản địa cũng đã biết làm du lịch, đưa đón khách, bán quà lưu niệm, người dân ở đây thật thân thiện, mến khách, khi chào khách, hẹn gặp lại mọi người đều nói “ơ châu”, tiếng Mông nghĩa là cám ơn. Đi giữa màu vàng của hoa cải, màu tím của hoa tam giác mạch, những cánh hoa mỏng manh, mùi thơm dịu dàng giữa sắc trời xuân mà thấy lòng xốn xang, thấy thêm yêu quá vùng đất này. Vừa ngắm hoa, mọi người tranh thủ chụp lấy những bức ảnh làm kỷ niệm cho một chuyến du xuân, chuyến đi đầy ý nghĩa, ấm tình người, không biết bao giờ mới lại có dịp trở lại nơi đây?

Vẻ mộc mạc, thân thiện, mến khách của đội ngũ xe ôm người Mông
Người dân tộc Mông kết thúc vụ mùa vào khoảng tháng 10, 11, họ sẽ tiếp tục gieo hạt và chăm sóc để có được hoa cải vàng vào đúng dịp xuân về. Hoa cải mang trong mình sức sống mãnh liệt dẫu sương gió khắc nghiệt hay thiếu đi chút tinh tế từ bàn tay chăm sóc của con người. Cứ đến hẹn lại lên, hoa cải tô điểm cho mùa xuân Mù Cang Chải tháng 1, tháng 2 rồi tháng 3 thêm phần lung linh và ấm áp.

Vẻ đẹp hoa cải vàng với Đồi Mâm xôi La Pán Tẩn
Năm 2007 ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn cùng với Dế Xu Phình, Chế Cu Nha đã được công nhận là danh thắng quốc gia và lọt top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất trên thế giới, nó nhanh chóng trở thành niềm tự hào của người dân Mù Cang Chải. Đồi mâm xôi hiện ra trước mắt với những cánh đồng hoa cúc vàng, hoa tam giác mạch rực rỡ, từng thửa ruộng bậc thang chập chùng, uốn lượn như những con sóng vàng óng ả trong nắng vàng. Nhìn những thửa ruộng bậc thang như con sóng mới thấy sự cần cù lao động của người Mông qua bao đời để tạo ra một kiệt tác như ngày hôm nay.
Buổi tối ở thị trấn vùng cao Mù Cang Chải không gian thật tĩnh lặng, trời hơi se lạnh, không ồn ào, náo nhiệt, ở thị trấn này chưa có đèn tín hiệu giao thông, dân cư thưa thớt, người Mông chiếm đa số, duy nhất có bản Kim Nọi là có người Thái sinh sống, họ biết làm Homestay để đón khách du lịch. Huyện Mù Cang Chải vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước với hơn 90% là người Mông, nhà nước và ngành điện đã đầu tư nhiều tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng hệ thống điện đến tất cả các xã, các bản làng xa xôi, bán điện tới từng hộ. Có điện người dân đã mua sắm các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước, máy xay sát … phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đời sống ngày được cải thiện lên rất nhiều.
Bữa cơm tối tại nhà khách Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải, cũng là buổi chia tay Mù Cang Chải để hôm sau xuôi về Hà Nội với món thịt lợn rừng lai, rượu thóc thật đầm ấm, hôm nay có thêm anh Dương Tuấn Vũ, Đội trưởng Đội quản lý điện Mù Cang Chải, gắn bó với mảnh đất vùng cao này đã 18 năm, cả tuổi xuân anh đã dành cho vùng cao Mù Cang Chải và coi đây là quê hương thứ hai. Anh tâm sự: “ Đội có 12 người đang quản lý hơn 100km đường dây 35kV, hơn 70 trạm biến áp 35/0,4kV, với điều kiện đường sá giao thông đi lại rất khó khăn, công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện ở khu vực đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống, nên anh em luôn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ” câu chuyện ngắn nhưng thật xúc động về những người công nhân ngành điện nơi đây đang ngày đêm giữ cho nguồn điện thông suốt phục vụ nhân dân, tự nhiên tôi nhớ đến lời một bài hát của nhạc sỹ Trần Long Ẩn “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” Có lên Mù Cang Chải, gặp những người đồng nghiệp trong ngành điện mới trân quý và cảm phục những người thợ điện âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho ngành điện vùng cao này.
Tạm biệt Mù Cang Chải, tạm biệt Yên Bái ai cũng xúc động bởi tình cảm đặc biệt của những người con của quê hương Yên Bái đã dành cho đoàn trong những ngày lưu lại Yên Bái, một hành trình thật tuyệt vời, trong tiết trời xuân nâng chén rượu nồng, mọi người cùng nâng ly chúc nhau sức khỏe, mỗi người dâng tràn những cảm xúc của riêng mình và cùng hẹn gặp lại nhau vào mùa xuân năm sau./.
Yên Bái, ngày 17 tháng 3 năm 2023
Nguyễn Huy Ngọc – Phòng KTGSMBĐ