Ngành điện vốn là ngành đặc thù, là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Vì vậy công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã và đang được ngành điện nói chung cũng như Công ty Điện Yên Bái nói riêng đặc biệt quan tâm.
Theo thống kê cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do nhiều nguyên nhân, đa số các vụ tai nạn lao động trên không xuất phát từ các yếu tố bất ngờ, lỗi là do người lao động chủ quan, không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn trước khi làm việc, nếu người lao động thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn đã được trang bị, các kiến thức an toàn đã được học…. chắc chắn các vụ tai nạn sẽ giảm thiểu rất nhiều.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người công nhân, thì lãnh đạo các đơn vị, các phòng ban liên quan cũng phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo an toàn cho người lao động. Đặc biệt công tác kiểm tra tại hiện trường nhằm kịp thời ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Đồng thời việc phân công công việc, chỉ đạo công việc cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong việc hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động trước áp lực về thời gian, về việc bố trí đúng người đúng việc, chuẩn bị trang bị dụng cụ an toàn.

Kiểm tra kiểm soát công tác ATLĐ tại hiện trường
Để giảm số vụ tai nạn lao động, ngoài việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động, bản thân mỗi người lao động cần phải nâng cao ý thức tự giác trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, sử dụng phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động. Người trực tiếp sử dụng lao động cũng cần quan tâm đến khối lượng công việc, công tác bảo đảm an toàn và sức khỏe của người lao động; đặc biệt khi trang bị dụng cụ bảo hộ cho người lao động cũng phải phù hợp với thực tế của công việc để người lao động sử dụng bảo hộ lao động một cách hiệu quả trong quá trình lao động sản xuất không quá chạy đua theo thành tích.
Nguyễn Kim Tuyển - Điện lực Trấn Yên