Ngày nay, cụm từ "Văn hóa doanh nghiệp" đang dần trở thành một thuật ngữ phổ biến. Đề cập đến khái niệm "Văn hóa" có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng khi kết hợp "Văn hóa" với "doanh nghiệp" thì nghĩa của nó đã hẹp hơn rất nhiều. Văn hóa doanh nghiệp có thể mô tả theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất đó là cách mọi người cảm nhận về công việc họ làm, những giá trị mà họ tin tưởng, nơi họ thấy công ty sẽ phát triển và những gì họ đang làm là đạt được những mục tiêu cho sự phát triển đó. Để tạo dựng văn hóa doanh nghiệp mang đặc trưng riêng thì văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp là một phần không thể thiếu.
Và để tạo nên nét văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của Điện lực Nghĩa Lộ, mỗi CBCNV đang công tác tại đơn vị đang không ngừng nâng cao thêm văn hóa ứng xử trong đơn vị. Điều đó được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Các Đội QLTH chú trọng làm việc nhóm, khi làm việc theo nhóm như vậy để tạo hiệu quả công việc cao nhất cần sự phối hợp ăn ý giữa mọi người với nhau. Chỉ khi mọi người có mục tiêu chung, có thái độ cởi mở, chia sẻ thông tin cho nhau, thẳng thắn góp ý và tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhau, mới xây dựng nên môi trường làm việc tốt nhât và nhanh chóng hoàn thành công việc. Không để cả nhóm phải chờ đợi mình, không lãng phí thời gian làm việc tại Điện lực vào những việc riêng cá nhân. Luôn tôn trọng tất cả ý kiến của mọi thành viên, dù là lời khen hay chê trách, nên tôn trọng lắng nghe để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Đồng nghiệp là đối tượng tiếp xúc hàng ngày và thường xuyên nhất, thời gian đồng nghiệp dành cho nhau thường nhiều hơn thời gian dành cho nhóm bạn bè cá nhân của họ. Vì vậy cách mà đồng nghiệp cư xử và tương tác với nhau sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến không khí làm việc của cả một đơn vị.
Luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Để tạo nên văn hóa ứng xử chung thì mỗi cá nhân trong đơn vị phải tự giác nâng cao văn hóa của bản thân, bởi vì Điện lực như một cộng đồng thu nhỏ mà mỗi nhân viên là một mắt xích quan trọng trong đó. Nếu mỗi mắt xích hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, guồng máy hoạt động trong Điện lực sẽ đạt hiệu suất đáng kể.
Phải luôn giữ tinh thần cầu tiến, luôn có trách nhiệm với việc làm của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nên mạnh dạn thử sức với những vị trí khác nhau trong đơn vị. Khi hoàn thành xuất sắc công việc hơn cả mong đợi, tự khắc giá trị của bản thân bạn sẽ được nâng lên đáng kể.

Hình ảnh công nhân Đội QLTH Mù Cang Chải cùng nhau khắc phục bão lũ
Ứng xử giữa cấp dưới với cấp trên và giữa cấp trên với cấp dưới
Mối quan hệ ứng xử giữa cấp dưới và cấp trên cần đúng mực, phải hiểu cấp trên mong đợi gì ở mình và bản thân phải đáp ứng mong đợi đó ra sao. Trong các cuộc họp luôn thẳng thắn đưa ra ý kiến trên tinh thần xây dựng, góp ý.
Còn cách ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, tại Điện lực Nghĩa Lộ luôn tuân thủ theo quy tắc: nghiêm túc trong công việc – bình đẳng thân thiện trong quan hệ xã hội. Quan tâm đến ý kiến phản hồi của nhân viên, khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên bằng chế độ thưởng, phạt công minh.
Chú trọng đến các ngày của chị em phụ nữ như 20-10, mùng 8-3, hưởng ứng tích cực các hoạt động phong trào nhằm gắn kết mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên.
/vhux3.jpg)
Hình ảnh lãnh đạo Điện lực Nghĩa Lộ trao hoa và quà cho các chị em phụ nữ ngày 20-10
Ứng xử với khách hàng
Những năm qua, Điện lực Nghĩa Lộ đang từng bước xây dựng hình ảnh Người thợ điện cởi mở, tận tình chu đáo, biết lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của khách hàng. Không để Điện lực bị đánh đồng trong một từ "chảnh" do đặc thù là Ngành độc quyền.
/vhux2.jpg)
Hình ảnh Công nhân Điện lực tận tình hướng dẫn khách hàng những ứng dụng mới
Ngành điện cũng giống như nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác do đó mỗi hoạt động của Điện lực đều hướng đến mục tiêu "Khách hàng là trung tâm". Mỗi các nhân trong Công ty đều là một đại diện cho văn hóa Công ty nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung, vì vậy cần phải có cách ứng xử thể hiện thái độ thân thiện, văn minh lịch sự với khách hàng. Thường xuyên cập nhật, phổ biến đến khách hàng những dịch vụ, ứng dụng mới để khách hàng nắm bắt kịp thời.
Có thể nói văn hóa ứng xử là một sự tổng thể về cách mà mọi người trong tổ chức, doanh nghiệp tương tác và làm việc cùng nhau, cách tạo mối quan hệ với đối tác, khách hàng, là yếu tố quan trọng hình thành nên văn hóa doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa doanh nghiệp rõ ràng giống như con người không có định hướng, lý tưởng và mục tiêu để phấn đấu trong cuộc đời.
Thu Thảo - Điện lực Nghĩa Lộ